Đồng Minh phản công ở tây nam Thái Bình Dương Chiến_tranh_Thái_Bình_Dương

Chiến trường New Guinea và Solomon

Đánh chiếm quần đảo Gilbert và Marshall

Sau khi chiếm xong quần đảo Solomon, đô đốc Chester W. Nimitz quyết định đánh chiếm tiếp hai quần đảo GilbertMarshall nằm ở phòng tuyến ngoài cùng của Nhật Bản trên Thái Bình Dương. Sáng ngày 20 tháng 11 năm 1943, Sư đoàn 27 Lục quân Hoa Kỳ đổ bộ lên đảo Makin thuộc quần đảo Gilbert và mất 4 ngày để làm chủ đảo sau khi mất 66 người.[127] Cùng ngày đó, Sư đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến đổ bộ lên Tarawa, một đảo nhỏ có 5.000 quân Nhật do chuẩn đô đốc Keiji Shibazaki chỉ huy. Tại đây, Hải quân và Thủy Quân Lục Chiến phạm một số sai lầm: không đánh giá đúng mức thủy triều ở các rặng đá ngầm vì vậy họ phải vượt qua hơn 600m nước dưới hỏa lực dữ dội của đối phương và hệ thống liên lạc bị cắt đứt.[128]

Phải mất 1 tuần sau, quân Mỹ mới chiếm được đảo với tổn thất trên 1.000 thủy quân lục chiến tử trận và hơn 2.000 khác bị thương. Người Mỹ chỉ bắt được 17 tù binh Nhật và 129 nhân công Triều Tiên. Qua trận đánh này, quân Mỹ đã học được nhiều kinh nghiệm quý giá.[128]

Đầu năm 1944, trong kế hoạch đánh chiếm quần đảo Marshall, đô đốc Nimitz buộc các tư lệnh hạm đội phải bắn phá trung tâm quần đảo và liên kết các tàu sân bay để vô hiệu hóa không quân địch. Tại quần đảo này, người Nhật đã xây dựng những cứ điểm phòng thủ kiên cố nhưng chưa sẵn sàng để đối đầu. Ngày 1 tháng 2, quân Mỹ tiến đánh Kwajalein và chiếm đảo này sau 1 tuần với một tổn thất không đáng kể.

Để đánh chiếm Marshall, đô đốc Nimiz đã tạo ra chiến thuật tấn công mới, gọi là "Nhảy đảo", bỏ qua một số vị trí địch để đánh thẳng vào mục tiêu chính. Với điều kiện có ưu thế lớn về không quân để có thể ngăn chặn sự hỗ trợ lẫn nhau của các vị trí địch, lại có thể vô hiệu hóa các vị trí được bỏ qua, chiến thuật này sẽ được áp dụng rộng rãi trong hải quân cũng như lục quân Đồng Minh trên chiến trường Thái Bình Dương, giúp rút ngắn thời gian các chiến dịch.[129]

1 tuần sau, Hoa Kỳ tiến đánh Eniwetok ở phía bắc Marshall trong khi dùng không quân để vô hiệu hóa và đe dọa quân cảng Truk, căn cứ chính của Hạm đội Liên hợp. Đô đốc Mineichi Koga đành phải dời bộ tư lệnh về Palau rồi Philippines. Ngày 31 tháng 3, máy bay của ông trên đường đi Philippines gặp giông bão rồi biến mất.[130] Sau khi đô đốc Koga mất tích, Bộ tư lệnh hải quân chọn đô đốc Soemu Toyoda lên thay.

Chiến sự ở quần đảo Marianas và Palau

Đợt đổ bộ đầu tiên của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ lên đảo Saipan vào ngày 15 tháng 6 năm 1944

Quần đảo Mariana nằm giữa con đường từ quần đảo Marshall đi Philippines, Đài Loan hay Nhật Bản. Hòn đảo lớn nhất và nằm ngay giữa quần đảo là Saipan. Saipan cũng là trung tâm tiếp vận và hậu cần cho hải quân và lục quân Nhật tham chiến ở Nam Thái Bình Dương.[131] Trung tướng Hideyoshi Obata, tư lệnh quân đoàn 31, chịu trách nhiệm toàn thể quần đảo Mariana.

Ngày 15 tháng 6 năm 1944, Thủy quân lục chiến Hoa KỳLục quân Hoa Kỳ, được sự yểm trợ của Hải quân Hoa Kỳ, đã thực hiện cuộc đổ bộ lên Saipan. Chỉ huy quân Nhật phòng thủ tại Saipan là tướng Yoshitsugu Saito và phó đô đốc Chuichi Nagumo. Để chống lại cuộc đổ bộ này, Hải quân Nhật Bản đã vạch ra "Chiến dịch A" (あ号作戦), theo đó các máy bay trên hàng không mẫu hạm kết hợp với các máy bay từ căn cứ mặt đất sẽ tấn công và tiêu diệt hạm đội Mỹ, sau đó tiến đến tiêu diệt lực lượng đổ bộ. Tuy nhiên, trong trận hải chiến biển Philippines từ 19 đến 20 tháng 6, trận hải chiến bằng hàng không mẫu hạm lớn nhất trong lịch sử,[132] hạm đội Nhật Bản bị đánh bại với tổn thất nặng nề là 3 hàng không mẫu hạm bị đánh chìm và mất 475 máy bay.[133] Thất bại này là do phía Nhật đã không đánh giá đúng sự hữu hiệu của radar, tài năng của các phi công đối phương, loại máy bay tiêm kích mới của Mỹ Grumman F6F Hellcat và nhất là cũng không nắm vững khả năng của các phi công Nhật, những người hầu hết là còn trẻ và thiếu kinh nghiệm. Sau trận đánh, hạm đội cơ động Nhật mất 92% số máy bay và 50% số máy bay của đảo Guam bị phá hủy còn phía Hoa Kỳ chỉ mất khoảng 130 máy bay và 2 tàu chở dầu. Không còn được hải quân yểm trợ, Saipan thất thủ vào ngày 9 tháng 7. Cả Saito lẫn Nagumo đều tự sát sau khi không giữ được đảo. Hầu hết quân Nhật trú phòng khoảng 30.000 người chết trận hoặc tự sát, còn phía Mỹ chịu thương vong 14.111 người.[134]

Sau đó, các lực lượng Hoa Kỳ tiếp tục đổ bộ lên đảo GuamTinian. Sau những cuộc giao tranh ác liệt, GuamTinian đã bị quân Mỹ chiếm vào tháng 8, 1944. Các sân bay ở Saipan, Tinian và Guam trở thành căn cứ của Tập đoàn không quân thứ 20 gồm toàn các oanh tạc cơ hạng nặng B-29 để tiến hành các phi vụ ném bom chiến lược trên đất liền Nhật Bản cho đến khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, bao gồm các cuộc tấn công bằng bom hạt nhân xuống HiroshimaNagasaki.

Trong khi đó, nhằm bảo vệ cánh sườn cho lực lượng Hoa Kỳ đang chuẩn bị tấn công quân Nhật tại Philippines, vào tháng 9 năm 1944, thủy quân lục chiến và lục quân Mỹ đã đổ bộ lên PeleliuAngaurPalau. Sau một trận chiến khốc liệt và kéo dài, hòn đảo đã được tuyên bố "an toàn" bởi quân đội Hoa Kỳ vào tháng 11 năm 1944, kết thúc chiến sự tại Palau.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_Thái_Bình_Dương http://ajrp.awm.gov.au/AJRP/AJRP2.nsf/437f72f8ac2c... http://wwii.ca/index.php?page=Page&action=showpage... http://www.china.org.cn/english/features/celebrati... http://www.avalanchepress.com/MexicanAirForce.php http://forum.axishistory.com/viewtopic.php?f=65&t=... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/137119/B... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/247568/B... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/310634/k... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/381684/B... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/456391/B...